Có lẽ ai cũng biết rằng bệnh sốt xuất huyết do bị muỗi vằn đốt. Thế nhưng, giữa muỗi gây sốt xuất huyết với muỗi thường vẫn còn nhiều người chưa phân biệt được. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp cho bạn mọi thông tin về loại muỗi gây bệnh nguy hiểm này.
1. Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có tên là gì?
Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết gồm 2 loài thuộc họ chi Aedes, là Aedes aegypti hoặc Aedes albopictus (có tỉ lệ thấp hơn). Trong đó, Aedes aegypti là tác nhân truyền bệnh chủ yếu.
Loài muỗi vằn Aedes aegypti rất thích sinh sản xung quanh nơi ở của con người.
Muỗi Aedes aegypti hay còn gọi là muỗi vằn có kích thước nhỏ, sẫm màu, dài khoảng 4 đến 7mm. Trên cơ thể có các mảng màu trắng điển hình ở chân và một vết giống hình đàn lia ở ngực. Con cái lớn hơn con đực, và có thể được phân biệt bằng những vòi có vảy bạc hoặc trắng.
Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết thường đẻ trứng vào những dụng cụ chứa nước và khu vực xung quanh nhà có nước đọng như thùng, chum, vại, xô, lọ hoa, đĩa trồng cây, bể chứa, chai lọ bỏ đi, hộp thiếc, lốp xe … Trứng muỗi có thể tồn tại thời gian dài trong điều kiện rất khô, thường là 1 năm. Tuy nhiên, chúng sẽ nở ngay lập tức sau khi trứng ngập trong nước. Trong suốt vòng đời, muỗi cái có thể đẻ tới 5 lần, mỗi đợt trung bình từ 100 đến 200 trứng.
2. Đặc điểm phân biệt muỗi gây sốt xuất huyết và muỗi thường
Muỗi Aedes aegypti
Đặc điểm để nhận dạng loại muỗi Aedes aegypti là muỗi có màu đen sẫm, phần thân và chân có những đốm trắng. Loài muỗi này sẽ hoạt động mạnh nhất vào ban ngày, trong khoảng hai giờ sau khi mặt trời mọc và vài giờ trước khi mặt trời lặn. Muỗi thường trú ngụ trong nhà, đặc biệt là những nơi tối tăm như xó nhà, khe tủ, chăn màn
Muỗi Aedes aegypti có màu đen sẫm, trên thân và chân có những đốm trắng.
Môi trường sinh sản chính của muỗi là ở trong các ao hồ, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước xung quanh nhà như bể nước, lu, vại, chum, giếng, lọ cắm hoa … Cách thức tấn công của loại muỗi này là từ bên dưới hoặc phía sau, có thể là từ bên dưới bàn hoặc ghế và chủ yếu đốt ở bàn chân và mắt cá chân.
Muỗi Anophen
Muỗi Anophen cũng là tác nhân truyền ký sinh trùng sốt rét cho người khá nhanh chóng. Con muỗi trưởng thành có màu nâu sẫm và đen. Điểm khác biệt của loài muỗi này so với những loài khác là lúc nghỉ ngơi phần bụng sẽ hướng lên, không hướng xuống dưới. Chiều dài của cơ thể muỗi Anophen thường bằng với chiều dài của vòi, trên cánh có các vẩy màu đen trắng.
Muỗi Anophen hoạt động từ khi mặt trời lặn đến khi mặt trời mọc và thường đậu trong nhà vài giờ sau khi đốt người.
Những vùng nước ngọt là địa điểm lý tưởng để loài muỗi sốt rét trú ngụ và sinh sản. Trong suốt vòng đời, muỗi cái có thể thực hiện giao phối nhiều lần dù chỉ sống được vài tuần đến một tháng. Chúng thực hiện việc hút máu để bổ sung chất dinh dưỡng nuôi trứng lớn.
3. Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết như thế nào?
Muỗi vằn sau khi hút máu từ người bệnh nhiễm virus Dengue thì sẽ chứa lượng virus nằm dưới tuyến nước bọt. Thời kỳ ủ bệnh ở muỗi là khoảng 10-12 ngày. Sau thời gian này, muỗi sẽ truyền virus Dengue cho những người khỏe mạnh khác khi muỗi đốt. Bệnh nhân bị nhiễm virus có thể có 6 – 18 giờ trước khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh và thời gian bệnh kéo dài trung bình 6 – 7 ngày. Vì vậy, đối với bệnh nhân sốt xuất huyết, để tránh trở thành nguồn lây bệnh cho những người xung quanh, ngay khi phát hiện ra bệnh nên được nằm che chắn trong màn hoặc mùng.
4. Cách phòng bệnh sốt xuất huyết
Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy
Thả cá vào tất cả các vật chứa nước trong nhà (bể, giếng, chum, vại…) để diệt bọ gậy.
Thu gom và hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa… Lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
Bỏ muối vào bát nước kê chân chạn, tủ đựng chén bát; thường xuyên thay nước bình hoa, bình bông.
Phòng chống muỗi đốt
Mặc trang phục dài tay, màu sắc sáng (trắng, xanh lá, vàng, cam) để bảo vệ làn da trước sự tấn công của muỗi.
Hạn chế đi lại nơi muỗi sinh sống nhiều như ao, hồ, bụi cỏ rậm rạp.
Dùng bình xịt diệt muỗi, kem chống muỗi hay vợt điện diệt muỗi, cửa lưới chống muỗi …